Kỳ vọng công nghiệp chế biến, chế tạo và năng lượng tái tạo
BT- Theo kế hoạch, Hội nghị Xúc tiến đầu tư năm 2019 sẽ chính thức diễn ra vào ngày 22/9 tại TP. Phan Thiết với mục tiêu giới thiệu tiềm năng, thế mạnh của Bình Thuận. Thông qua đó sẽ thu hút, huy động các nguồn lực đầu tư từ các thành phần kinh tế trong lẫn ngoài nước mà cụ thể là hướng tới tập trung kêu gọi đầu tư vào 3 trụ cột chính. Trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo và năng lượng tái tạo được Bình Thuận kỳ vọng sẽ góp phần sớm đưa kinh tế - xã hội địa phương phát triển tương xứng…
Điện mặt trời - tiềm năng thu hút nhiều nhà đầu tư đến với Bình Thuận. Ảnh: Ngọc Lân
Hiện lĩnh vực công nghiệp - xây dựng đang đóng góp khoảng 31% vào GRDP của tỉnh, hơn nữa Bình Thuận cũng được quy hoạch là Trung tâm Năng lượng mang tầm quốc gia với tổng công suất trên 12.000 MW vào năm 2020. Đến nay 35 nhà máy điện đã đưa vào hoạt động với tổng công suất hơn 6.000 MW, có sản lượng điện thiết kế của các nhà máy điện đạt khoảng 30,6 tỷ kWh/năm. Bao gồm: 4 nhà máy nhiệt điện thuộc Trung tâm Điện lực Vĩnh Tân (công suất 4.224 MW), 6 nhà máy thủy điện (819,5 MW), 1 nhà máy điện diesel đảo Phú Quý (10 MW), 3 nhà máy điện gió (60 MW) và 21 nhà máy điện mặt trời (903,5 MW).
Riêng về năng lượng tái tạo, với nguồn tài nguyên gió dồi dào nên thời gian qua Bình Thuận thu hút khá nhiều dự án điện gió và hiện có 20 dự án đăng ký đầu tư với tổng công suất được Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công thương phê duyệt là 812,5 MW. Đến nay 3 dự án (60 MW) đã đi vào hoạt động với sản lượng điện đạt khoảng 140 triệu kWh/năm, đó là các dự án: Phong Điện 1 - Bình Thuận (giai đoạn 1 - 30 MW), Phú Lạc (giai đoạn 1 - 24 MW), Phú Quý (6 MW)… Ngoài ra, Thủ tướng Chính phủ cũng đồng ý chủ trương cho Công ty Enterprize Energy nghiên cứu khảo sát dự án điện gió ngoài khơi Kê Gà (Hàm Thuận Nam) có công suất đề xuất lên đến 3.400 MW. Dự án quy mô hàng đầu châu lục dự kiến thực hiện đầu tư vào giai đoạn 2020 - 2030, hiện nay nhà đầu tư đang lập hồ sơ bổ sung Quy hoạch điện lực quốc gia. Thời gian qua còn có một số nhà đầu tư khác cũng đã đăng ký khảo sát các dự án điện gió ngoài khơi biển Bình Thuận với tổng công suất đề xuất khoảng 3.000 MW.
Bên cạnh điện gió, Bình Thuận luôn là “địa chỉ” có sức hút đối với các nhà đầu tư dự án điện mặt trời nhờ lợi thế về thời tiết ít mưa, số giờ nắng cao và bức xạ nhiệt ổn định. Theo Sở Công thương, đến nay trên địa bàn tỉnh có 95 dự án điện mặt trời với tổng công suất đề xuất, đăng ký đầu tư khoảng 6.047 MWp (tương đương 4.847 MW). Trong đó 28 dự án đã được Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công thương phê duyệt bổ sung Quy hoạch phát triển điện lực, 60 dự án được UBND tỉnh trình cấp thẩm quyền thẩm định bổ sung Quy hoạch phát triển điện lực…
Từ điều kiện địa phương, ngành công nghiệp đang được địa phương khuyến khích phát triển, đặc biệt công nghiệp chế biến, chế tạo xác định là ngành công nghiệp chủ lực. Thực tế cũng cho thấy, ngành công nghiệp sản xuất điện trên địa bàn tỉnh từng bước thể hiện bước tăng trưởng đột phá, góp phần sớm đưa Bình Thuận trở thành Trung tâm Năng lượng mang tầm quốc gia. Song song đó, địa phương cũng mong muốn thu hút thêm dự án quy mô để tập trung đầu tư sản xuất, chế biến sản phẩm công nghiệp chủ yếu của tỉnh. Có thể kể đến hải sản đông lạnh và khô, hải sản đóng hộp, nước mắm, đồ gỗ chế biến, mủ cao su, may mặc, giày dép các loại, hạt điều nhân, rau quả sấy khô - sấy dẻo, thức ăn gia súc… Qua đó song hành cùng địa phương tiếp tục khai thác tối ưu và hiệu quả những tiềm năng, lợi thế mà Bình Thuận đang sở hữu
(Trên địa bàn tỉnh có 95 dự án điện mặt trời với tổng công suất đề xuất, đăng ký đầu tư khoảng 6.047 MWp (tương đương 4.847 MW). Trong đó 28 dự án đã được Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công thương phê duyệt bổ sung Quy hoạch phát triển điện lực, 60 dự án được UBND tỉnh trình cấp thẩm quyền thẩm định bổ sung Quy hoạch phát triển điện lực…)
ST
Category: tin tuc
0 nhận xét